icon
img
HỘI THỂ THAO ĐIỆN TỬ GIẢI TRÍ VIỆT NAM
VIETNAM RECREATIONAL AND ELECTRONIC SPORT ASSOCIATION

Con cái mê "chơi game": Cấm cản hay tìm hiểu để định hướng?

Thay vì việc đánh đồng "chơi game" là hoạt động giải trí vô bổ, phụ huynh cần có nhìn nhận và đánh giá liệu đây có phải là đam mê mà con đang nghiêm túc theo đuổi.

Ngày đăng 31 tháng 8, 2021

Chia sẻ bài viết

cover

eSports hiện nay không còn là một hoạt động giải trí mà còn trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô khi hàng loạt các VĐV kiếm bộn tiền từ việc thi đấu hay trở thành các đại diện quảng cáo cho các nhãn hàng nổi tiếng. Chính vì vậy trở thành tuyển thủ hay làm việc tại các vị trí hỗ trợ trong lĩnh vực esports đang dần trở thành một lĩnh vực nghề nghiệp phổ biến và hấp dẫn với các bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn rất lo ngại khi con cái theo đuổi lĩnh vực mới mẻ và nhiều rào cản này.

Anne Fish, mẹ của BenjyFishy - tuyển thủ thi đấu Fortnite chuyên nghiệp, đã rất thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình khi được hỏi về việc Phụ huynh nên làm gì khi con cái đam mê eSports. Bà cho rằng, cuộc sống quá ngắn ngủi, việc con cái có đam mê với bất cứ điều gì cũng rất đáng để cho chúng thử sức 1 lần, dù thành công hay thất bại thì sẽ luôn có những bài học ở đó chứ không phải sự nuối tiếc hay có thể là ghét bỏ gia đình vì không ủng hộ chúng. Bà cũng là một trong những phụ huynh tích cực tham gia ủng hộ con cái theo eSports bằng các hoạt động như cổ vũ, tìm hiểu về các giải đấu, thậm chí bà còn phát sóng trực tiếp (livestream) 1 buổi chơi thử Fortnite - bộ môn mà con trai bà đang thi đấu chuyên nghiệp. 

Vậy phụ huynh cần làm gì để ủng hộ và định hướng đúng đắn khi con cái đam mê Thể thao điện tử?

 

#1 Đừng căng thẳng hay phán xét

 

Không ít phụ huynh kỳ vọng con cái sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư hay các nghề nghiệp có tính ổn định lâu dài. Họ thường căng thẳng và phán xét các hoạt động của con cái nếu chúng đi ngược với mong muốn của mình. Vì vậy, khi thấy con cái chơi game hay tham gia vào các giải đấu trên mạng hãy bình tĩnh và nhìn nhận tổng thể liệu chúng có đang sa đà vào game hay vẫn cân bằng được các hoạt động học tập, trau dồi thể chất khác. Hãy cởi mở, trao đổi với con về đam mê và kế hoạch trong tương lai.

 

#2 Xoá bỏ suy nghĩ "Vì con cái không đủ giỏi để theo các ngành chuyên môn nên mới chơi game kiếm tiền"

 

Trái ngược với quan niệm xưa cũ rằng VĐV eSports chỉ biết chơi game, thực tế hiện tại, có rất nhiều VĐV esports có kết quả học tập rất tốt, thậm chí 1 số còn có thành tích vô cùng đáng nể. Tại một số trường Đại học trên thế giới, khi đưa eSports vào chương trình giảng dạy, yêu cầu đầu vào cũng rất nghiêm ngặt, không thua kém các lĩnh vực chuyên môn khác. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, VĐV eSports sở hữu kỹ năng tư duy, óc phán đoán của 1 tuyển thủ cờ vua (đối tượng được xem là có trí thông minh nổi trội) và tốc độ xử lý tình huống không kém cầu thủ bóng đá. Vì vậy, phụ huynh hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng và sự nhanh nhạy của con mình.

 

#3 Trở thành chỗ dựa vững chắc nhất cho con

 

Các VĐV esports bước vào nghề khi tuổi đời còn rất trẻ, có những người bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp khi chỉ 12 13 tuổi vì vậy gia đình chính là nền tảng cơ bản để rèn luyện tinh thần, đạo đức cũng như kỹ năng ứng xử. Không chỉ eSports mà một số bộ môn thể thao khác có không ít những cám dỗ hay hoạt động biến tướng sai trái; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh; và đặc biệt là sự tự do ngôn luận của cộng đồng cũng tác động không ít đến tâm lý của các VĐV, một số còn từ bỏ sự nghiệp vì những tác động tiêu cực. Có thể thấy,  sự quan tâm của gia đình chính là chỗ dựa vững chắc và an toàn nhất, giúp các VĐV giữ được tâm lý ổn định và cân bằng cuộc sống.

 

#4 Rộng mở vòng tay và chấp nhận dù con thành công hay thất bại

 

Để đến với con đường thi đấu chuyên nghiệp cần rất nhiều thời gian, công sức và 1 chút may mắn, vì không phải ai cũng có thể trở thành ngôi sao sau 1 đêm. Đừng hoài nghi hay nóng vội nếu con bạn chưa thành công, mọi thành quả đều có quá trình của nó. Và không giống như các nghề nghiệp khác, khi các mức giải thưởng ngày một lớn và càng nhiều tài năng xuất hiện, eSports có sự cạnh tranh và đào thải vô cùng khắc nghiệt, đó cũng là một sự thật cần được chấp nhận nếu con cái chưa đạt được thành công mà chúng mong đợi. Hãy bao dung, động viên và sát cánh cùng con để có thể tiếp tục cố gắng hoặc bắt đầu lại từ đầu ở một lĩnh vực khác.  

Có rất nhiều điều phụ huynh có thể làm để ủng hộ con em mình trên con đường theo đuổi lĩnh vực Thể thao điện tử! Hy vọng bài viết sẽ góp phần giúp các bậc phụ huynh có thể bớt chút thời gian trong dịp lễ sắp tới để gần gũi với con và tìm hiểu thêm về nghề nghiệp đầy triển vọng này.
 

Liên quan