icon
img
HỘI THỂ THAO ĐIỆN TỬ GIẢI TRÍ VIỆT NAM
VIETNAM RECREATIONAL AND ELECTRONIC SPORT ASSOCIATION

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG PHONG TRÀO OLYMPIC: THỂ THAO ĐIỆN TỬ VÀ THỂ THAO THỂ CHẤT SỐ MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI

Chiều ngày 20/3/2025, tại Cục Thể dục Thể thao Việt Nam, hội thảo “Chuyển đổi số trong phong trào Olympic năm 2025” đã diễn ra với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, huấn luyện viên, vận động viên và các nhà quản lý thể thao. Sự kiện bao gồm các chuyên đề thảo luận tập trung vào việc xây dựng, vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện về hoạt động thể dục thể thao.

Ngày đăng 21 tháng 3, 2025

Chia sẻ bài viết

cover

Tại hội thảo, ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), đã chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của thể thao điện tử (Esports) và thể thao thể chất số (Phygital Sports) trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo ông Hùng, thể thao điện tử không còn là một lĩnh vực giải trí đơn thuần mà đã trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái thể thao hiện đại, được công nhận trong hệ thống thi đấu quốc tế từ SEA Games, Asian Games cho đến Thế vận hội Olympic. Bên cạnh đó, thể thao thể chất số, mô hình kết hợp giữa vận động thực tế và công nghệ, cũng đang phát triển nhanh chóng, giúp nâng cao chất lượng huấn luyện và thi đấu bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến.

“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong thể thao, nơi mà ranh giới giữa thể thao truyền thống và thể thao số dần được xóa nhòa. Ứng dụng công nghệ vào thể thao không chỉ giúp nâng cao thành tích thi đấu mà còn mở rộng cánh cửa đưa thể thao đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.” Chủ tịch VIRESA nhấn mạnh.  

Việt Nam không đứng ngoài làn sóng chuyển đổi số này mà đang tích cực hội nhập, bắt kịp xu hướng thể thao thế giới. Việc ứng dụng công nghệ vào thể thao điện tử không chỉ nhằm tối ưu hóa quá trình tập luyện và thi đấu mà còn là sự chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế lớn sắp tới như SEA Games 33, Asiad 20 và đặc biệt là Olympic Esports Games 2027. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao khu vực và thế giới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền thể thao số, đưa các vận động viên tiếp cận những tiêu chuẩn huấn luyện tiên tiến nhất. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI, phân tích dữ liệu và thực tế ảo, thể thao Việt Nam đang từng bước chuyển mình, sẵn sàng vươn ra sân chơi toàn cầu.

Hội thảo Chuyển đổi số trong phong trào Olympic Việt Nam diễn ra vào chiều ngày 20/3

Ngoài thể thao điện tử và thể thao thể chất số, các chuyên gia đầu ngành đã có thảo luận đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác huấn luyện và thi đấu. Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này có thể giúp cải thiện hiệu suất thi đấu, đặc biệt đối với các môn thể thao yêu cầu độ tập trung cao như bắn súng, bắn cung hay các môn võ như Taekwondo. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề cập đến việc chuyển đổi số trong công tác quản lý và tổ chức sự kiện thể thao, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững phong trào Olympic. Các chuyên gia hàng đầu đã tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo nội dung thảo luận bám sát thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của ngành thể thao Việt Nam.

Chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực thể thao, không chỉ về cách thức thi đấu mà còn về cách ngành công nghiệp này kết nối với khán giả và tạo ra giá trị kinh tế. Hội thảo lần này là cơ hội để các bên liên quan cùng chia sẻ góc nhìn, thúc đẩy hợp tác và xây dựng chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trong kỷ nguyên số.  

 

Liên quan