icon
img
HỘI THỂ THAO ĐIỆN TỬ GIẢI TRÍ VIỆT NAM
VIETNAM RECREATIONAL AND ELECTRONIC SPORT ASSOCIATION

VIRESA sẽ có nhiều sự kiện để ‘lên dây cót’ cho thể thao điện tử trước SEA Games 31

Mới đây, tại một buổi công bố giải đấu thể thao điện tử mới có sự tham dự của 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á do VIRESA và VNG đồng tổ chức, ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký VIRESA, đã tiết lộ VIRESA đang chuẩn bị triển khai nhiều hoạt động và giải đấu nhằm hướng tới SEA Games 31.

Ngày đăng 29 tháng 10, 2021

Chia sẻ bài viết

cover

VIRESA sẽ có nhiều sự kiện để ‘lên dây cót’ cho thể thao điện tử trước SEA Games 31

Mới đây, tại một buổi công bố giải đấu thể thao điện tử mới có sự tham dự của 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á do VIRESA và VNG đồng tổ chức, ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký VIRESA, đã tiết lộ VIRESA đang chuẩn bị triển khai nhiều hoạt động và giải đấu nhằm hướng tới SEA Games 31.

Ngày 28/10/2021, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam và Công ty Cổ phần VNG đã tổ chức buổi họp báo trực tuyến công bố Giải đấu Thể thao điện tử khu vực Đông Nam Á 2021 (SEA eSports Championship 2021; gọi tắt là SEA EC 2021) với sự tham dự của hơn 60 đại biểu khách mời đến từ liên đoàn thể thao điện tử các nước Đông Nam Á và các đơn vị báo chí - truyền thông.

Ngoài ý nghĩa là lần đầu tiên của một giải đấu thể thao điện tử thường niên lớn của khu vực, không khó để nhận ra SEA EC 2021 là sự kiện đặc biệt để các vận động viên thể thao điện tử cũng như các quốc gia tham dự chuẩn bị cho SEA Games 31. 

Quy mô tổ chức và nội dung thi đấu khiến các chuyên gia trong lĩnh vực thể thao điện tử kỳ vọng chất lượng của giải đấu sẽ không hề thua kém so với SEA Games. Đại diện của nhiều liên đoàn thể thao điện tử tham dự sự kiện đều tin rằng đây là cơ hội lớn để các vận động viên học hỏi kinh nghiệm, cọ xát để tiến tới phong độ tốt nhất tại đại hội.

Ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký VIRESA, cho biết vì nhiều lý do, Ban tổ chức không thể đưa tất cả nội dung thể thao điện tử tại SEA Games 31 vào thi đấu tại SEA EC 2021. Tuy nhiên, VIRESA sẽ cân nhắc và lên kế hoạch đưa các bộ môn còn chưa được điểm tên vào các hoạt động và giải đấu khác nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các vận động viên ở tất cả các nội dung thi đấu.

Việc lựa chọn các bộ môn và nội dung thi đấu cho mỗi giải đấu phụ thuộc và bao gồm nhiều tiêu chí cũng như cần có sự đồng bộ của nhiều bên nhằm đảm bảo tính công bằng và mang đến chất lượng tốt nhất”, ông nói.

Đối với các sự kiện mang tính đa quốc gia, Tổng thư ký VIRESA cho hay các liên đoàn thể thao điện tử tại Đông Nam Á đang phối hợp để có thêm nhiều hoạt động chuẩn bị. Thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ sau khi các bên đi đến quyết định chính thức.

Trong khi đó, về các sự kiện mang tính độc lập tại quốc gia, theo kế hoạch, VIRESA sẽ tổ chức Giải Vô địch Thể thao điện tử quốc gia (VEC). Sự kiện này cũng chính là một trong những cơ sở để tuyển chọn các vận động viên, các đội tuyển đại diện cho Việt Nam thi đấu quốc tế, trong đó có SEA Games 31.

“Do lịch thi đấu SEA Games 31 có sự điều chỉnh và mới được Chính phủ Việt Nam thông qua chủ trương về thời gian điều chỉnh là trung tuần tháng 5/2022 nên VEC và các hoạt động tuyển chọn của Việt Nam cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng” ông Hùng thông tin.

Đề cập đến khả năng đoạt huy chương của thể thao điện tử Việt Nam tại SEA Games 31, Tổng Thư ký VIRESA nhận định trình độ của các vận động viên thể thao điện tử Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực tương đối đồng đều. Khoảng cách về trình độ không lớn. Thực tế đã chứng minh trong nhiều giải đấu quốc tế gần đây, sự cạnh tranh thành tích giữa các quốc gia Đông Nam Á khá sít sao. Giới chuyên môn nhận định các vận động viên Việt Nam có thế mạnh ở một số bộ môn này trong khi các vận động viên của các quốc gia khác lại có lợi thế ở một số bộ môn khác.

“Tuy nhiên, tôi khá tin tưởng các vận động viên của chúng ta sẽ giành thứ hạng cao tại giải đấu lần này bởi chúng ta có nhiều vận động viên và đội tuyển mạnh đã đạt thành tích cao trong các giải đấu khác tại khu vực và quốc tế trong thời gian gần đây. Song, chúng ta cũng không thể chủ quan bởi cũng như Việt Nam, tất cả các nước đều có sự chuẩn bị chu đáo để đạt thành tích tốt nhất”, ông nói.

Theo đại diện của VIRESA, mục tiêu của thể thao điện tử Việt Nam tại SEA Games 31 là giành thành tích cao trong TOP 3. 

“Chúng tôi đang nỗ lực tối đa trong công tác chuẩn bị, phối hợp và huy động mọi nguồn lực khả thi để tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên và đội tuyển Việt Nam để giải đấu được diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng kỳ vọng của Ban tổ chức cũng như người hâm mộ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung”, ông tiết lộ.

SEA EC 2021 sẽ được triển khai theo hình thức trực tuyến với 3 bộ môn PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và VALORANT. Sau khi Vòng loại diễn ra vào tháng 11-12/2021 tại mỗi quốc gia, giải đấu dự kiến chào đón 52 đội tuyển là đại diện của 10 liên đoàn thể thao điện tử tại Đông Nam Á cùng nhau tranh tài ở các nội dung để giành về giải thưởng với tổng giá trị hơn 140.000 USD. Sự kiện sẽ chính thức diễn ra vào tháng 01/2022.

Tại riêng khu vực Việt Nam, giải đấu sẽ mang tên “Giải đấu Thể thao điện tử khu vực Đông Nam Á FBANG 2021”; gọi tắt là FBANG SEA EC 2021 với sự đồng hành của Nhà tài trợ FBANG - nền tảng trực tuyến tổ chức và phát sóng các trận đấu thể thao điện tử đỉnh cao.

Bên cạnh 3 bộ môn đã công bố, Ban tổ chức cũng xem xét việc đưa thêm bộ môn đua xe mô phỏng E-Racing vào giải đấu lần này.

Liên quan