Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), bổ sung dịch vụ game online vào nhóm đối tượng áp thuế này. Tại Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về Đề Nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Xuân Cường, chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) bày tỏ quan ngại về hiệu quả thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online cũng như việc áp thuế sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp phát triển trò chơi điện tử trong nước.
Date submitted April 3, 2023
Tại buổi họp, ông Cường cho biết tất cả các dịch vụ liên quan trò chơi trực tuyến, kể cả dịch vụ trong nước hay cung cấp xuyên biên giới đều đi theo mô hình Free to Pay – người sử dụng dịch vụ không phải đóng tiền. Họ chỉ phải thanh toán một khoản phí nhất định nếu có nhu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) (Ảnh: Viettimes)
"Bộ Tài chính đặt mục tiêu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế hành vi chơi game trực tuyến, nhưng nếu áp dụng luật thì chỉ có 8% số người chơi game online này chịu. Mà số người đóng tiền này đều đã có nghề nghiệp ổn định, làm chủ hành vi tiêu dùng, nên nhu cầu giải trí của họ là hợp pháp và cần được bảo vệ. Trong tình huống bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ game online, họ sẽ điều chỉnh sang hướng giải trí khác", Chủ tịch VIRESA phân tích
Theo ông Cường, cộng đồng người chơi game online còn có cả những vận động viên bán chuyên và chuyên nghiệp của ngành Thể thao điện tử Việt Nam - những người này có đóng góp tích cực trong việc định hướng hành vi tiêu dùng, hành vi của giới trẻ.
Hơn nữa, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ game online tại Việt Nam đều là hội viên của VIRESA. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đóng góp tích cực trong tạo công ăn việc làm cho xã hội hay đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng chính là đối tượng đang phải chịu cơ chế "bảo hộ ngược", "phải chịu nhiều thiệt thòi so với các dịch vụ xuyên biên giới" ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Để game Việt phát triển trên sân nhà
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng cần phải đánh giá tổng quan về tác động, ảnh hưởng tới game online tại Việt Nam trước khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đối tượng này.
"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ game online tương tự như việc nắm được người có tóc gầy gò ốm yếu; còn kẻ trọc đầu, to béo thì lại không quản lý được. Điều này sẽ gây hiệu ứng ngược đối với việc thúc đẩy ngành game online, nội dung số Việt Nam phát triển" ông Tuấn bày tỏ.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG nhận định, trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG (Ảnh: Viettimes)
Việc này sẽ có 2 hệ luỵ: Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; và thứ hai là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam.
Đặc biệt, việc này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác (ví dụ như Singapore) để phát triển và phát hành game, nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho doanh nghiệp game.
"Việc này triệt tiêu năng lực cạnh tranh của số ít các doanh nghiệp Game đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, và khi đó thì ngân sách nhà nước cũng bị thất thu thuế" – ông Thắng nêu nguy cơ.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dù doanh thu ngành game Việt lên tới gần 700 triệu USD năm 2022, nhưng một nửa số thuế thu được lại được đóng ở quốc gia khác. Nhiều nhà sản xuất Việt khi bán game cho chính người Việt lại phải dùng pháp nhân nước ngoài.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cần có các chính sách thuế đồng bộ và nhất quán mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp game quay về thị trường trong nước.
"Ngành game là ngành giao thoa, lai giữa viết phần mềm và cung cấp dịch vụ. Cần có sự điều chỉnh ưu tiên liên quan đến thuế, phù hợp mới có điều kiện thúc đẩy để những công ty sản xuất game, viết game họ thấy công ty trong nước vẫn có lợi về thuế, về phát hành hơn phải đi ra nước ngoài", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.
Chính sách thuế rõ ràng là cần thiết, nhưng đây chưa phải là điều kiện duy nhất để quyết định chất lượng phát triển của ngành công nghiệp game tại Việt Nam. Hiện nay game không chỉ để vui chơi, giải trí, mà được đưa vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, chẳng hạn như game được dùng dạy học, mô phỏng hoạt động trong xã hội, dùng game chữa bệnh trầm cảm, các giải đấu thể thao (esports). Vậy bài toán đặt ra là cần có cơ chế quản lý, chính sách thu thuế như thế nào để ngành công nghiệp này đi đúng hướng, loại bỏ nguy cơ xấu từ game lậu và thất thu ngân sách.
Luật thuế TTĐB có hiệu lực từ năm 1999 đã được thay thế bởi Luật thuế TTĐB số số 27/2008/QH12 năm 2009. Sau đó trải qua thêm 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và 2022. Theo Bộ Tài Chính, Luật thuế TTĐB đã dần bộc lộ một số lỗ hổng, hạn chế nhất định sau thời gian dài được sửa đổi và bổ sung.
ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI GAME ONLINE GÂY NHIỀU LO NGẠI
Lần đầu tiên phong đẳng cấp VĐV Kiện tướng tại lễ vinh danh thể thao điện tử Việt Nam năm 2023
Thể thao điện tử góp mặt vào Giải thể thao Sinh viên Việt Nam
Chính phủ Ấn Độ chính thức công nhận Esports là một phần của sự kiện 'thể thao đa môn'
Hợp tác chiến lược giữa GEF và Uỷ ban Olympic Châu Âu